Nghệ thuật cải lương có tính truyền thông rất vững chắc trong kịch nghệ Việt Nam, góp phần không nhỏ trên nhiều mặt: phản ánh đời sống xã hội ở nhiều góc cạnh qua từng thời kỳ lịch sử dân tộc, từ hai cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ đến giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước, tham gia vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật của nước nhà…

Cảnh diễn về xây dựng nông thôn mới của Đoàn NTCL Bến Tre
phục vụ vùng nông thôn Bến Tre (Ảnh TTr)
Từ lâu, nghệ thuật cải lương đã trở thành một loại hình truyền thống đặc sắc của dân tộc ta. Nghệ thuật hát cải lương được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, được thay đổi qua nhiều thế hệ, chịu thử thách với thời gian, với nhiều thử nghiệm. Từ khi ra đời cho đến nay, nghệ thuật cải lương trải qua không biết bao giai đoạn thăng trầm và phát triển, đến giờ này nó vẫn còn hiện hữu, là món ăn tinh thần trong đời sống xã hội. Có thể nói, sân khấu cải lương đã đạt được hai vấn đề cơ bản của mình, đó là mang thông điệp về tư tưởng, tinh thần dân tộc và khắc họa những hình tượng nhân vật trên nhiều lĩnh vực.
Ở tỉnh ta, trải qua bao thăng trầm của loại hình nghệ thuật cải lương và tưởng chừng như nó không thể tồn tại. Song với tâm quyết của lãnh đạo tỉnh, loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc của vùng đất Nam Bộ, đến nay Bến Tre vẫn còn bảo tồn, lưu giữ Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre. Hàng năm, Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng kháng chiến; tham gia phục vụ các sự kiện trong tỉnh theo yêu cầu từng lúc… Năm 2017, Đoàn được tỉnh Phú Thọ mời về biểu diễn phục vụ nhân dân đất Tổ 02 suất (tại Thành phố Việt Trì và Khu di tích lịch sử Đền Hùng) nhân ngày Giổ Tổ Hùng Vương (mùng 10 tháng 3 âm lịch). Nhân chuyến hành hương về đất Tổ, Đoàn tổ chức lưu diễn tại một số tỉnh, thành phố: như Hà Nội, Nghệ An và Quảng Trị và đã nhận được sự mến mộ của khán gia nơi Đoàn đến biểu diễn. Kết hợp với VTV Cần Thơ, Đoàn tham gia chương trình "Hòa điệu đất chín rồng".... Và trong quí III, quí IV năm này, Đoàn đã dàn dựng 02 vở mới để phục vụ nhân dân tỉnh nhà vào dịp Tết cổ truyền của dân tộc năm 2018.

Một cảnh diễn vở cải lương "Quân vương và thần" (Ảnh TTr)
Hai kịch bản dàn dựng trong năm 2017, đó là: "Quân vương và thần" và "Thiên định tơ hồng" (cả hai kịch bản đều là của tác giả Công Danh). Kịch bản "Quân vương và thần" là thể loại chính sử, nội dung kịch bản muốn truyền thông đến công chúng biết thêm về nhân vật lịch sử thời Hậu Lê – Nguyễn Xí, một vị tướng tài ba, chính trực, hy sinh tình thân để thoát khỏi sự chiêu dụ phò tá bọn phản nghịch và có những cống hiến lớn cho dân tộc Đại Việt. Ông là nhân vật lịch sử có thật và ông không chỉ là vị tướng tài ba mà còn là danh thần kiệt xuất dưới thời Hậu Lê. Ghi nhận những cống hiến lớn của ông, khu đền thờ được xếp vào loại nguy nga nhất tỉnh Nghệ An và được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa quốc gia năm 1990. Đối với kịch bản "Thiên định tơ hồng" thiên về cổ trang, thông điệp thể hiện trong kịch bản là tình yêu không thể ép buộc, có duyên sẽ đến với nhau; kẻ gian ác sẽ bị trừng trị và ở hiền sẽ gặp lành.

Cảnh diễn trong tuồng cải lương “Thiên định tơ hồng” (Ảnh TTr)
Hai kịch bản nêu trên mang 02 màu sắc khác nhau, nhưng nội dung đều mang tính giáo dục hướng con người hướng đến chân – thiện – mỹ; được phòng chuyên môn thẩm định, góp ý trước khi Đoàn chính thức dàn dựng. Điều đáng phấn khởi 02 kịch bản này được 02 đạo diễn trẻ của Đoàn dàn dựng (kịch bản "Quân vương và thần" do đạo diễn trẻ Tuấn Linh dàn dựng; kịch bàn "Thiên định tơ hồng" do đạo diễn Thanh Hưng dàn dựng). Theo đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật và giới chuyên môn, tuy là đạo diễn trẻ song cả 02 đạo diễn đều có sở trường, phong cách sáng tạo riêng, mới phù hợp xu thế hiện nay. Đánh giá chung về nội dung kịch bản, cảnh trí, phục trang, âm nhạc, đạo cụ sân khấu và lực lượng diễn viên… của hai vở diễn này đảm bảo đáp ứng được thị hiếu công chúng.
Tin rằng 02 vở cải lương "Quân vương và thần" và "Thiên định tơ hồng" của Đoàn Nghệ thuật Cải lương Bến Tre ra mắt công chúng tỉnh nhà trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc sẽ gặt hái thành công, được công chúng yêu thích. Và thông qua nghệ thuật biểu diễn cải lương của Đoàn sẽ góp phần khẳng định loại hình nghệ thuật truyền thống cải lương luôn có sức sống, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật của người dân tỉnh nhà, xóa dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân thành thị và nông thôn. Nhất là góp phần xây dựng, bảo tồn những giá trị tiêu biểu, đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới.
Thanh Trúc